
Gần đây, Nhật Bản xuất hiện thêm nhiều mối lo ngại về hiện tượng môi trường thoái hóa xuống cấp và theo đó là ô nhiễm nguồn thực phẩm. Người dân đã tổ chức nhiều cuộc tẩy chay và biểu tình lớn để phản đối sự thờ ơ lãnh đạm của các nhà lãnh đạo công nghiệp và chính trị. Tuy nhiên, nếu hành động với tinh thần như hiện nay thì chỉ tốn công vô ích mà thôi. Việc bàn luận về cách thức xóa bỏ một số trường hợp ô nhiễm cụ thể cũng giống như chỉ điều trị triệu chứng của căn bệnh trong khi gốc rễ của nó vẫn tiếp tục lây lan.
Ví dụ như cách đây hai năm, một hội thảo về vấn đề ô nhiễm đã được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nông nghiệp, cùng với Hội đồng Nông nghiệp hữu cơ và Hiệp hội người tiêu dùng Nada. Chủ tịch hội thảo này là ông Teruo Ichiraku – đứng đầu Hội liên minh nông dân hữu cơ Nhật Bản, và cũng là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong Hiệp hội nông nghiệp của chính phủ. Kiến nghị thư đưa ra danh sách những loại cây trồng và hạt giống cần được phát triển, việc sử dụng lượng phân bón bao nhiêu là hợp lý và những loại hóa chất được phép sử dụng. Hội thảo này được đông đảo nông dân ở các làng quê Nhật Bản quan tâm theo dõi.
Do hội thảo có sự tham gia của rất nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, tôi tràn trề hi vọng rằng sẽ có nhiều hành động thiết thực mang ý nghĩa sâu sắc được đưa ra và ứng dụng trong thực tế.
Đứng trên góc độ tuyên truyền vấn đề ô nhiễm thực phẩm, hội thảo lần này có thể coi là đã thành công. Nhưng cũng giống như những lần khác, các cuộc thảo luận đã bị giản lược thành một chuỗi những bài báo cáo khoa học hàn lâm của các chuyên gia nghiên cứu về tính nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm thực phẩm. Dường như không có ai sẵn sàng giải quyết vấn đề từ cấp độ căn bản nhất.
Ví dụ như trong một cuộc thảo luận về vấn đề nhiễm độc thủy ngân ở cá ngừ, đại diện Tổng cục Thủy sản đã mở đầu bằng việc phân tích mức độ nghiêm trọng thực sự của vấn đề. Vào thời điểm đó, ô nhiễm thủy ngân đang là chủ đề cấp bách xuất hiện hàng ngày trên sóng phát thanh
và báo chí, vì thế mọi người lắng nghe rất chăm chú những điều ông ấy trình bày.
Người thuyết trình nói rằng lượng thủy ngân trong cơ thể cá ngừ là rất lớn, kể cả những loài đến từ biển Nam cực và khu vực gần cực Bắc. Tuy nhiên, khi tiến hành giải phẫu phân tích một mẫu vật phòng thí nghiệm có niên đại cách đây hàng trăm năm, trái ngược với mong đợi là loài cá đó cũng đã chứa thủy ngân trong cơ thể. Họ đã đưa ra kết luận tạm thời cho rằng sự tổng hợp thủy ngân là cần thiết cho sự sống của loài cá này.
Khán giả đã nhìn nhau một cách hoài nghi. Người ta mong chờ buổi hội thảo này sẽ đưa ra được các quyết sách ứng phó với tình trạng ô nhiễm đang hủy hoại đến môi trường sống và theo đó tiến hành những biện pháp sửa đổi kịp thời. Vậy mà ngay tại đây, đại diện đến từ Tổng cục Thủy sản lại nói rằng thủy ngân là cần thiết cho sự sinh tồn của loài cá ngừ. Như tôi đã từng nói, con người không nắm bắt được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ô nhiễm mà chỉ nhìn nhận nó từ một quan điểm bề mặt hạn hẹp.
Tôi đã đứng dậy và đề nghị rằng chúng ta phải cùng hành động ngay bây giờ và ngay tại đây để thiết lập một kế hoạch cụ thể giải quyết vấn đề ô nhiễm. Nói chuyện thẳng thắn về việc ngừng sử dụng hóa chất chẳng phải tốt hơn sao, bởi đó chính là nguyên nhân căn bản gây ra ô nhiễm. Ví dụ như cây lúa có thể sinh sôi rất tốt mà không cần đến hóa chất, các loại cam quýt cũng vậy, và cũng không khó để trồng các loại rau theo cách đó. Tôi nói rằng điều này là có thể, và tôi đã thực hiện nó trên cánh đồng của mình trong nhiều năm nay. Nhưng chừng nào chính phủ còn ủng hộ việc tiếp tục sử dụng hóa chất, không ai có thể có cơ hội thử nghiệm các hoạt động canh tác lành mạnh này.
Các thành viên của Tổng cục Thủy sản đã có mặt tại hội thảo, cùng với đó là các nhân vật đến từ Bộ Nông Lâm nghiệp và Hiệp hội Nông nghiệp. Nếu như họ và ông Ichiraku chủ tịch hội thảo thực lòng mong muốn mọi việc tiến triển tốt đẹp, cùng với đó khuyến khích người nông dân trên toàn quốc thử nghiệm trồng lúa mà không dùng hóa chất, họ sẽ làm nên những thay đổi mang tính triệt để. Để đưa vấn đề ra trước công chúng, tôi đã nói rằng Hiệp hội tiêu dùng và những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp hiện đại chủ yếu dựa trên nguồn đầu tư tài chính lớn vào phân bón và máy móc nông
nghiệp để duy trì vị trí quyền lực của họ. Loại bỏ máy móc và hóa chất sẽ đưa đến một sự thay đổi toàn diện trong cấu trúc kinh tế xã hội. Vì vậy, có thể thấy rằng sẽ không bao giờ có chuyện ông Ichiraku, hiệp hội tiêu dùng hay các quan chức chính phủ sẽ lên tiếng ủng hộ các biện pháp làm sạch ô nhiễm.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn xảy ra. Nếu như mọi vụ mùa có thể sinh sôi mà không cần dùng đến hóa chất, phân bón hay máy móc nông nghiệp thì những công ty hóa chất khổng lồ sẽ trở nên thừa thãi và những chi nhánh kinh doanh thuộc Hiệp hội nông nghiệp của Chính phủ sẽ sụp đổ.
Khi tôi mạnh dạn phát biểu như vậy, ông chủ tịch đã nói với tôi rằng: “Ông
Fukuoka, ông đang làm cả buổi hội thảo trở nên nặng nề với những lời nhận xét của mình đấy”. Vậy nên tôi đành tiếp tục giữ im lặng. Và mọi chuyện đã diễn ra như thế đó.
Một biện pháp giản đơn cho vấn đề nan giải
Dường như các cơ quan chính phủ không hề có ý định chấm dứt nạn ô nhiễm. Một khó khăn nữa là làm thế nào để tổng hòa tất cả các phương diện của vấn đề ô nhiễm thực phẩm và giải quyết cùng một lúc. Những người chỉ quan tâm xem xét đến một khía cạnh riêng rẽ của vấn đề thì không thể nào đưa ra được biện pháp giải quyết triệt để.
Khi mà ý thức tập thể của con người chưa được chuyển đổi về bản chất thì vấn nạn ô nhiễm vẫn chưa thể chấm dứt.
Ví dụ, người nông dân nghĩ rằng vùng biển trong đất liền (vùng
biển nhỏ nằm giữa các hòn đảo của Honshu, Kyushu và Shikoku) không liên quan đến họ. Họ cho rằng việc chăm sóc đàn cá là việc của các nhân viên hành chính thuộc Tổng cục Thủy sản và Hội đồng môi trường phải chịu trách nhiệm quan tâm đến sự ô nhiễm đại dương. Vấn đề thực sự nằm trong chính những suy nghĩ như thế.
Các loại phân bón hóa học, ammonium
sulfate, urea, super phosphate… hiện đang được dùng với số lượng lớn, chỉ một lượng nhỏ trong số đó được cây trồng trên đồng ruộng hấp thụ. Phần còn loại thẩm thấu vào trong các dòng sông con suối, cuối cùng theo dòng chảy hòa vào biển trong đất liền. Những hợp chất nitơ này trở thành thức ăn cho số lượng lớn đa dạng các chủng loại tảo biển và sinh vật phù du, chúng chính là nguyên
nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ. Tất nhiên, thủy ngân trong chất thải công nghiệp và những loại rác thải độc hại khác cũng góp phần, nhưng hầu hết nguồn nước ở Nhật bị ô nhiễm là do hóa chất nông nghiệp.
Vì vậy, trách nhiệm trước nhất là thuộc về người nông dân. Nhiều nông dân ứng dụng hóa chất độc hại trên đồng ruộng của mình, các nhà máy sản xuất hóa chất, các quan chức địa phương tin vào sự tiện dụng của hóa chất và đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật tương ứng. Nếu mỗi người trong số họ không cân nhắc vấn đề một cách thấu đáo thì sẽ khó có được câu trả lời cho vấn nạn ô nhiễm nguồn nước.
Trên thực tế, hiện nay chỉ những ai phải chịu ảnh hưởng trực tiếp mới hăng hái tham gia xử lý các vấn đề ô nhiễm, ví dụ như cuộc biểu tình của ngư dân địa phương chống lại các công ty dầu khí lớn sau khi xảy ra hiện tượng dầu loang gần khu vực Mizushima. Hay như một vài giáo sư đưa ra đề nghị xử lý vấn đề này bằng cách mở một kênh đào xuyên qua eo đảo Shikoku để dẫn nước sạch từ Thái Bình Dương chảy vào biển trong đất liền. Những việc như thế này được nghiên cứu và lên kế hoạch hết lần này đến lần khác, nhưng đó không phải cách thức đúng đắn để đưa ra một giải pháp đích thực.
Có một sự thật hiển nhiên đó là, dù chúng ta có làm
gì đi nữa thì tình
hình vẫn đang ngày một xấu đi. Các biện pháp đối phó càng được tính toán kĩ lưỡng thì các vấn đề càng trở nên phức tạp hơn.
Giả sử một đường ống được đặt vắt ngang qua Shikoku, hút nước từ Thái Bình Dương rồi đổ vào biển trong đất liền. Cách làm này sẽ giúp làm sạch vùng biển trong đất liền. Nhưng lấy đâu ra nguồn điện để vận hành nhà máy sản xuất ống thép, và cần công suất nguồn điện như thế nào để hút được nước lên? Một trạm phát điện hạt nhân là cần thiết. Để tạo dựng một hệ thống như thế, phải tập hợn đủ xi măng và các loại vật liệu khác, đồng thời xây dựng một trung tâm xử lý uranium. Khi phát triển các biện pháp theo cách này, họ đã vô hình chung gieo hạt nhân cho những vấn đề ô nhiễm của các thế hệ tiếp theo, chúng thậm chí còn nan giải hơn trước và ngày càng trở nên phổ biến.
Điều này tương tự như trong trường hợp một người nông dân vì tham lam mà mở quá rộng cửa cống tưới nước và để nước chảy ồ ạt vào đồng ruộng. Các đường nứt rộng ra và làm vỡ vụn các luống đất. Lúc này rất cần thiết tiến hành việc gia cố lại. Tường vây được đắp lại vững chắc hơn và các kênh đào dẫn nước được mở rộng thêm. Lượng nước được thêm vào sẽ chỉ làm gia tăng các mối nguy hiểm tiềm ẩn, và về sau này khi các luống đất ngày càng yếu đi, việc cải tạo sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng hơn nữa.
Khi bắt đầu tiến hành xử lý các tình huống khó khăn, các biện pháp cải tiến thường được đề ra với giả thiết rằng tự nó sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Đôi khi đúng là như vậy. Nhưng các kiến trúc sư dường như không thể nuốt trôi được điều này. Các biện pháp đều dựa trên cơ sở một khái niệm hạn hẹp về thế nào là sai trái. Các đối sách của con người xuất phát từ sự phán đoán và sự thật khoa học ở một mức độ giới hạn. Giải pháp thực sự không thể có được theo cách này. ( Khi nói đến “sự phán đoán và sự thật khoa học ở mức độ giới hạn”, ông Fukuoka đang đề cập đến cái thế giới mà được nhận biết và kiến tạo bởi trí thông minh con người. Ông cho rằng cách nhìn này bị giới hạn trong một khung được định nghĩa bởi các giả thiết về chính nó).
Những giải pháp đơn giản như trải rơm và trồng cỏ ba lá sẽ không gây ra ô nhiễm. Chúng hiệu quả bởi chúng loại trừ tận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Cho đến khi nào con người hiện đại còn tin tưởng vào các giải pháp kỹ thuật lớn lao thì sự ô nhiễm sẽ chỉ ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.
Thành quả từ những ngày gian khó
Người tiêu dùng, theo như cách hiểu thông thường, không bị liệt vào danh sách các tác nhân gây
ra ô nhiễm nông nghiệp. Rất nhiều trong số họ yêu cầu được sử dụng thực phẩm không có hóa chất. Tuy nhiên, thực phẩm có chứa hóa chất thường được bày bán chủ yếu để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Người tiêu dùng đòi hỏi nông sản kích thước lớn, vẻ ngoài long lanh và hoàn mỹ với hình dạng hợp quy cách. Để thỏa mãn những mong muốn này, những hóa chất nông nghiệp đã ngưng sử dụng từ cách đây 5, 6 năm lại nhanh chóng được đưa trở lại thị trường.
Tại sao chúng ta lại bị mắc kẹt trong tình thế khó khăn như vậy? Người ta nói họ không quan tâm quả dưa chuột thẳng hay cong, và trái cây không cần thiết phải có một vẻ ngoài đẹp đẽ. Nhưng thi thoảng bạn hãy nhìn vào khu chợ bán buôn ở Tokyo để thấy giá cả tác động ra sao tới thị hiếu khách hàng. Khi trái cây nhìn có
vẻ ngon hơn bình thường, bạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền nhỏ ngoài giá bán. Khi trái cây được phân loại thành “cỡ nhỏ”, “trung bình” hay “cỡ lớn”, giá tiền theo đó sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba bình thường.
Một khi người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao cho những thực phẩm trái mùa, họ đã vô hình chung góp phần làm gia tăng tần suất sử dụng hóa chất và các phương thức trồng trọt nhân tạo. Năm ngoái, quýt ngọt Unshu được trồng trong nhà kính để kịp đóng thùng vào mùa hè (loại trái cây này chín
tự nhiên vào tầm cuối mùa thu).
Canh tác trái mùa cứ tiếp diễn như thế và ngày càng trở nên phổ biến. Để thưởng thức quýt ngọt sớm trước 1 tháng, người dân thành phố dường như rất vui vẻ trả thêm tiền để người nông dân đầu tư thêm vào nhân công và thiết bị. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra, việc con người ăn trái cây sớm hơn một tháng so với bình thường liệu có thực sự cần thiết? Thật sự là nó không quan trọng đến vậy, và tiền không phải là cái giá duy nhất phải trả cho một sở thích như thế.
Thêm vào đó, các loại thuốc nhuộm đã ngừng sử dụng cách đây vài năm nay lại được dùng đến. Với những hóa chất này, trái cây thay đổi màu sắc sớm hơn hẳn một tuần. Tùy thuộc vào việc trái cây được đem bán một tuần trước hay sau ngày 10/10, giá cả theo đó sẽ gấp đôi hoặc giảm một nửa, do vậy người nông dân sẽ sử dụng các chất kích thích sắc tố, sau đợt thu hoạch họ xếp trái cây vào phòng làm chín để thực hiện công đoạn xử lý khí.
Tuy nhiên, trái cây được thu hoạch và vận chuyển sớm thì vẫn chưa đủ độ ngọt, khi đó cần dùng đến chất làm ngọt nhân tạo. Thông thường mọi người đều nghĩ rằng hóa chất tạo ngọt đã bị cấm sử dụng, nhưng chất tạo ngọt nhân tạo phun trên các loại cây thuộc họ cam quýt vẫn chưa được công bố là bất hợp pháp một cách rõ ràng. Câu hỏi được đặt ra là nó có nằm trong danh sách “các hóa chất nông nghiệp” hay không. Dù sao đi nữa, hầu hết mọi người vẫn đang sử dụng nó hàng ngày.
Trái cây sẽ được đưa đến trung tâm phân loại trái cây. Để phân chia trái cây thành các cỡ lớn nhỏ, từng trái sẽ được cho lăn qua một dây truyền vận chuyển dài. Trái cây dập nát trong lúc phân loại là chuyện thường thấy. Trung tâm phân loại càng lớn thì trái cây càng bị nhào lộn và tung nẩy nhiều hơn. Sau khi được rửa bằng nước, quýt ngọt được phun chất bảo quản và quét một lớp thuốc nhuộm. Công đoạn cuối cùng họ ứng dụng phương pháp phủ sáp paraphin và trái cây sẽ được đánh bóng để trở nên long lanh đẹp mắt. Trái cây ngày nay thực sự đang được “trải qua quá trình tôi luyện nghiêm ngặt”.
Như vậy, trái cây từ trước khi thu hoạch cho đến khi được vận chuyển ra ngoài và đặt trên các kệ hàng, khoảng năm hoặc sáu loại hóa chất đã được sử dụng. Đó là còn chưa tính đến các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã được dùng khi cây trồng còn đang lớn trong vườn. Tất cả những điều này bắt nguồn từ việc người tiêu dùng luôn muốn mua những trái cây nhìn bắt mắt hơn chút. Chỉ một thị hiếu nhỏ của người tiêu dùng đã đặt người nông dân vào một tình thế thực sự khó khăn.
Các biện pháp không thể được tiến hành bởi vì người nông dân lại thích được làm theo cách này, hoặc bởi các quan chức bộ Nông Nghiệp muốn để người nông dân phải trải qua những công việc ngoài giờ. Cho đến khi nào ý thức chung về giá trị thay đổi thì tình hình mới có thể được cải thiện.
Khi tôi còn làm việc tại văn phòng hải quan Yokohama 40 năm trước, chanh và cam Sunkist cũng đã được xử lý theo cách này. Tôi quyết liệt phản đối việc phổ biến hệ thống này cho nước Nhật, nhưng những lời nói của tôi đã không thể ngăn cản được những hệ thống hiện đang được vận hành.
Khi một hộ dân hay hội nông dân bắt đầu ứng dụng một công nghệ mới ví dụ như việc phủ sáp những quả quýt ngọt, bởi cần chú ý và chăm chút nhiều hơn nên lợi nhuận sẽ cao hơn. Những hiệp hội nông nghiệp khác bắt đầu quan tâm và không lâu sau đó họ cũng ứng dụng công nghệ mới này. Trái cây không được phủ sáp từ lâu nay đã bán không được giá. Trong vòng hai đến ba năm, chu trình phủ sáp được vận hành trên khắp đất nước. Sự cạnh tranh đã kéo giá cả giảm mạnh, và những gì còn lại cho người nông dân là gánh nặng công việc nặng nề và những chi phí phát sinh cho vật tư thiết bị. Giờ đây, họ bắt buộc phải ứng dụng việc phủ sáp cho trái cây.
Tất nhiên người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Thực phẩm không còn tươi ngon sẽ vẫn bán được nếu như nó trông có vẻ tươi ngon. Trên phương diện sinh học, trái cây trong tình trạng hơi khô héo là nó đang giữ quá trình hô hấp và tiêu hao năng lượng ở mức thấp nhất có thể. Điều này giống như một người trong trạng thái thiền: Sự bài tiết, hô hấp và tiêu hao nhiệt lượng của anh ta duy trì ở một mức cực kỳ thấp. Thậm chí nếu anh ta tuyệt thực, nguồn năng lượng trong cơ thể vẫn được bảo toàn. Tương tự như vậy, khi trái quýt ngọt có nếp nhăn trên vỏ, khi trái cây và rau củ héo đi, chúng đang cố gắng bảo toàn những giá trị dinh dưỡng của mình trong khoảng thời gian lâu nhất có thể.
Thật sự sai lầm khi chỉ cố gắng giữ cho vẻ ngoài tươi ngon, giống như việc như người bán hàng không ngừng phun nước lên rau củ của họ. Cho dù rau củ luôn trông có vẻ tươi ngon, hương vị và giá trị dinh dưỡng của chúng vẫn bị mất đi rất nhanh.
Cho dù thế nào, tất cả các hợp tác xã nông nghiệp và các trung tâm phân loại tập thể đã được hợp nhất và mở rộng để tiến hành những hoạt động không cần thiết như thế đó. Người ta gọi đây là “hiện đại hóa”. Sản phẩm được đóng gói và thông qua hệ thống vận chuyển khổng lồ để chuyển đến tay người tiêu dùng.
Nói tóm lại, khi chưa có một sự lội ngược dòng của ý thức giá trị mà vẫn quan tâm nhiều đến vẻ ngoài và kích cỡ hơn là chất lượng, thì chưa thể có được giải pháp thực sự cho vấn đề ô nhiễm thực phẩm.
....Còn tiếp
No comments:
Post a Comment